Ngày 16/09/2020 vừa qua, đại diện PVcomBank đã tham dự Hội thảo các lãnh đạo cấp cao Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc - Asean (CAIBA) lần thứ 3 với vai trò là quan sát viên. Đại diện cho PVcomBank tham dự Hội thảo có Phó Giám đốc Khối Nguồn vốn và Thị trường tài chính - chị Nguyễn Thị Thu Hiền.
Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc- ASEAN (CAIBA) được thành lập vào ngày 29/10/2010 với mục tiêu mang lại lợi ích cho các Ngân hàng thành viên trong việc tiếp cận các nguồn vốn quốc tế trung dài hạn, mang lại cơ hội kết nối, là nơi chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên. CAIBA hoạt động thông qua hợp tác trên các lĩnh vực bảo lãnh liên bên, vay hợp vốn, chuyển nhượng khoản vay và các phương pháp thông dụng khác trên thị trường vốn quốc tế. Theo quy định của Hiệp hội, mỗi quốc gia có một ngân hàng được tham gia CAIBA. Tại Việt Nam, BIDV là ngân hàng tham gia với tư cách là thành viên chính thức của Hiệp hội này. Năm 2019, PVcomBank vinh dự được trở thành Quan sát viên của Hiệp hội.
Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng phát triển Trung Quốc (CDB) đã có bài phát biểu khai mạc giới thiệu về những kết quả đạt được của Hiệp hội trong những năm vừa qua. Đặc biệt là những hoạt động trọng tâm như: tài trợ cho các dự án lớn, các dự án cơ sở hạ tầng, tài trợ các hoạt động đầu tư và mua bán hàng hóa …tại các nước Asean.
Có thể nói Covid -19 là thảm họa có sức ảnh hưởng toàn cầu, và những hệ lụy tiêu cực từ đại dịch sẽ còn tiếp tục kéo dài đối với nền kinh tế nhiều quốc gia. Thế giới sẽ không thể trở lại trạng thái như trước, những thói quen tiêu dùng và cách thức làm việc mới đang được định hình, và nhiều ngành nghề phải thích ứng với những thay đổi theo thời cuộc. Ngành tài chính Ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Đây là thách thức lớn đối với tất cả doanh nghiệp, ngân hàng và chính phủ các nước, song mặt khác, cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho các tổ chức có tầm nhìn và ứng biến linh hoạt.
Một trong số những cơ hội được đề cập đến trong bài phát biểu của đại diện PVcomBank tại hội nghị chính là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cuộc cách mạng chuyển đổi số trong mọi ngành nghề nói chung và ngành tài chính nói riêng. Trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 với các đợt giãn cách xã hội liên tục, dịch vụ số hóa thực sự đã được nhìn nhận lại theo lăng kính khác, ở đó, môi trường số chính là chìa khóa tiện ích cho rất nhiều nhu cầu từ tiêu dùng đến tài chính của cá nhân, và cũng là chìa khóa cho bài toán duy trì kinh doanh của doanh nghiệp. Vai trò của chuyển đổi số chưa bao giờ được thấy rõ ràng và mang tính cấp bách hơn thế, không chỉ là giải pháp tăng lợi nhuận mà còn mang tính sống còn đối với mọi tổ chức kinh tế.
Trong phần phát biểu của mình, đại diện PVcomBank cũng nhấn mạnh, Trung Quốc chính là điển hình trong việc chuyển đổi số với tốc độ nhanh chóng, biến thách thức từ Covid-19 thành cơ hội đẩy mạnh phát triển nền tảng thanh toán điện tử. Giao dịch không tiền mặt đã trở thành thói quen tiêu dùng của đa số người dân Trung Quốc, và các ngân hàng đã nắm bắt thời cơ làm nên một làn sóng chuyển đổi mạnh mẽ từ dịch vụ ngân hàng truyền thống sang nền tảng số.
Tại Việt Nam, các khái niệm công nghệ 4.0 hay thuật ngữ thanh toán điện tử, ngân hàng trực tuyến, ngân hàng số… đã không còn xa lạ từ trước khi có Covid-19. Tuy nhiên, thị trường này còn gặp nhiều hạn chế đến từ hành vi và thói quen cố hữu của người tiêu dùng, với tâm lý e ngại về tính bảo mật, an toàn hoặc e ngại tiếp cận với công nghệ mới (thế hệ Gene X). Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều Ngân hàng đã phải hạn chế giao dịch trực tiếp tại chi nhánh và lưu thông tiền mặt, tập trung khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ điện tử… Không được ra khỏi nhà trong thời gian cách ly hoặc giãn cách khiến khách hàng buộc phải tìm đến các giải pháp thay thế, và việc sử dụng dịch vụ tài chính điện tử đã trở thành bắt buộc. Lượng tiền giao dịch trực tuyến đã tăng đột biến, và điều tích cực là, những người đã trải nghiệm sự tiện ích này sẽ không quay trở lại thói quen truyền thống trước đó. Đây chính là thời điểm vàng để các ngân hàng tăng tốc độ chuyển đổi số, như một xu thế chiến lược để phục hồi sau đại dịch.
Tham dự Hội thảo các lãnh đạo cấp cao Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc - Asean (CAIBA) lần thứ 3 là cơ hội để PVcomBank lắng nghe những trao đổi, chia sẻ của các thành viên Hiệp hội đồng thời cũng được đóng góp các đề xuất cho ngành Ngân hàng trong giai đoạn mới sau Covid-19. Theo chia sẻ của đại diện PVcomBank, trong thời gian tới PVcomBank sẽ tập trung phát triển các dự án công nghệ như một xu hướng tất yếu. Các dự án công nghệ mà PVcomBank đang tập trung phát triển trong năm 2020 và 2021 như nền tảng Open Banking, quản lý API, Mobile Sale, Custome 360, Omni-Chanel… chính là các bước tiền đề cho công cuộc chuyển đổi thành ngân hàng số, không chỉ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm về tài chính mà còn hơn thế, đáp ứng chính xác nhất mọi nhu cầu của từng tập khách hàng trong cuộc sống.
(PVcomBank)