Những điều bạn cần biết về Dự án “Dịch vụ triển khai phần mềm ERP giai đoạn 2” của PVcomBank | Hoạt động nội bộ | Tin tức | Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank

Những điều bạn cần biết về Dự án “Dịch vụ triển khai phần mềm ERP giai đoạn 2” của PVcomBank

Những điều bạn cần biết về Dự án “Dịch vụ triển khai phần mềm ERP giai đoạn 2” của PVcomBank

Ngày đăng: 05/05/2023

Phần mềm ERP được triển khai tại PVcomBank giúp các bộ phận phối hợp công việc ăn ý, được đánh giá là một “trợ thủ đắc lực” giúp Ban Lãnh đạo Ngân hàng đưa ra chiến lược kinh doanh kịp thời, sáng suốt dựa trên nguồn dữ liệu chính xác và minh bạch. 

Vậy ERP là gì và Dự án “Dịch vụ triển khai phần mềm ERP giai đoạn 2” tại PVcomBank đang diễn ra như thế nào, hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé!

Phần mềm ERP là gì?

Phần mềm ERP (Enterprise resource planning software), viết tắt là ERP, là một giải pháp phần mềm hỗ trợ quá trình quản trị hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chức năng chính của ERP là tích hợp tất cả thông tin, dữ liệu của các phòng ban vào cùng một hệ thống máy tính duy nhất để theo dõi, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của ngân hàng, khá linh hoạt để sử dụng. Bạn có thể hình dung ERP giống như một hệ thống phần mềm khổng lồ, giải quyết được các vấn đề về nhân sự, tài chính, sản xuất, chuỗi cung ứng, kho, mua hàng, bán hàng và nhiều thứ khác.

Trước đây, tại PVcomBank, ERP giai đoạn 1 đã được triển khai trong việc sử dụng ứng dụng mảng nghiệp vụ “tích hợp hệ thống corebanking và báo cáo GL hợp nhất (*)”. Tiếp nối dự án ERP giải đoạn 1, giai đoạn 2 được triển khai nhằm: đáp ứng nhu cầu kế toán quản trị, số hóa quy trình mua sắm, quản lý và kiểm kê tài sản cố định, nghiệp vụ kế toán phải thu, phải trả và thanh toán chi phí nội bộ.

Thanh toán chi phí nội bộ trên phần mềm ERP khác gì so với phương thức truyền thống trước đây?

Việc thanh toán chi phí nội bộ sẽ là phần được đông đảo các PVcomBanker tại các đơn vị phòng ban sử dụng nhiều nhất trên phần mềm ERP. Phần mềm giúp số hoá toàn bộ đề nghị thanh toán nhằm lưu lại dữ liệu thông tin hoá đơn, chứng từ thanh toán của đơn vị, lưu thông tin phân bổ ngân sách, phục vụ đơn vị khi cần tra cứu lại thông tin đề nghị thanh toán. Bên cạnh đó, ERP còn giúp kiểm tra trùng hoá đơn, đảm bảo mỗi nhà cung cấp trong 1 ngày không vượt quá 20 triệu đồng – đây là mà việc thực hiện thủ công bằng excel trước đây không đáp ứng được.

Nếu với Quy trình thanh toán trước đây tại PVcomBank, cán bộ thực hiện công tác thanh toán tại đơn vị phải tập hợp hóa đơn, tập hợp chi phí, phân bổ MIS thủ công, sau đó chuyển hồ sơ thanh toán bản cứng cho khối TCKT/Phòng, bộ phận kế toán tại đơn vị, cán bộ kế toán sẽ thực hiện hạch toán trên phần mềm MRB. Thì nay, sau khi phần mềm ERP giai đoạn 2 chính thức đi vào hoạt động, cán bộ thực hiện thanh toán tại đơn vị sẽ nhập thông tin thanh toán, tập hợp hóa đơn, tập hợp chi phí, phân bổ MIS trên phần mềm ERP sau đó chuyển hồ sơ bản cứng cho khối TCKT/Phòng, bộ phận kế toán tại đơn vị, cán bộ kế toán thực hiện hạch toán trên phần mềm ERP.

Tiến độ triển khai Dự án “Dịch vụ triển khai phần mềm ERP- giai đoạn 2” tại PVcomBank

Hiện nay, Ban Triển khai Dự án đang trong giai đoạn nước rút để đưa dự án chính thức đi vào sử dụng. Sắp tới đây, để việc thanh toán nội bộ bằng phần mềm ERP được thông suốt, từ 04/05/2023 đến 25/05/202, chương trình đào tạo cho các cán bộ khối TCKT, khối Văn Phòng và cán bộ thực hiện công tác thanh toán tại các Khối/Chi nhánh tại 2 miền Bắc, Nam sẽ được diễn ra. Thông qua các khóa học này, cán bộ tại các đơn vị sẽ được học, làm quen, thao tác thực tế trên phần mềm này, chuẩn bị cho giai đoạn việc thanh toán trên ERP thay thế phương thức thanh toán truyền thống hiện nay.

Và dự kiến đến ngày 03/06/2023, dự án ERP giai đoạn 2 sẽ chính thức đi vào sử dụng trên toàn hệ thống.

***

Dự án “Dịch vụ triển khai phần mềm ERP giai đoạn 2” nằm trong mục tiêu Chuyển đổi số của PVcomBank. Đây là là mục tiêu chiến lược được Ngân hàng tập trung đẩy mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Với nỗ lực số hóa quy trình, hoạt động quản lý giúp PVcomBank từng bước trở thành một trong những Ngân hàng có nền tảng công nghệ hiện đại bậc nhất tại Việt Nam.

Chú thích:

(*):GL viết tắt là General Ledger, dịch ra tiếng Việt là sổ cái chung, đây là tài liệu cực kỳ quan trọng trong kế toán, hạch toán trong doanh nghiệp. Các thay đổi tài chính trong một công ty đều được ghi chép, tóm tắt vào trong sổ cái, đồng thời sẽ có các giao dịch trao đổi, mua bán trong một kỳ kế toán đều được ghi rõ trong sổ cái.

(Ban MarCom)